Nguồn gốc Chiến_tranh_Iran-Iraq

Thời kỳ hậu thuộc địa

Một trong các yếu tố dẫn đến sự thù địch giữa hai quốc gia này xuất phát từ sự tranh chấp quyền sở hữu vùng nước Shatt al-Arab (người Iran gọi là Arvand Rud) ở đầu Vịnh Ba Tư, một con sông quan trọng cho công nghiệp xuất khẩu dầu mỏ của cả hai nước. Vào năm 1937, Iran và Iraq đã ký một hiệp ước giải quyết xung đột kéo dài này, trong đó tham chiếu đến thời chiến tranh Ottoman-Ba Tư từ thế kỷ XVI và XVII để xác định quyền quản lý Shatt al-Arab.[4] Cũng trong năm đó Iran và Iraq tham gia vào Hiệp ước Saadabad, mối quan hệ giữa hai nước luôn tốt đẹp trong vài thập niên tiếp theo.[4] Đến năm 1955, hai quốc gia lại tham gia vào Hiệp ước Bagdad.[4] Hiệp ước năm 1937 công nhận biên giới giữa Iran-Iraq là dọc theo mức nước ròng phía bờ đông của Shatt al-Arab ngoại trừ tại Abadan và Khorramshahr, nơi đường biên chạy dọc theo thalweg (đường nước lớn) dẫn đến việc Iraq quản lý hầu hết con sông này; miễn là tất cả tàu sử dụng Shatt al-Arab treo cờ Iraq và có hoa tiêu người Iraq và bắt buộc Iran phải trả phí cho Iraq khi tàu của họ sử dụng Shatt al-Arab.[5]

Cuộc lật đổ Dòng họ Hashemite ở Iraq năm 1958 chuyển quyền lực sang một chính quyền mới với tinh thần dân tộc cực đoan hơn, đã lập tức rút khỏi Hiệp ước Bagdad. Ngày 18 tháng 12 năm 1959, nhà lãnh đạo mới của Iraq Abdul Karim Qassim, tuyên bố: "Chúng tôi không muốn nhắc đến lịch sử các bộ lạc Ả Rập sinh sống ở Al-Ahwaz và Mohammareh [tức Khorramshahr]. Những người Ottoman đã trao Mohammareh, là lãnh thổ của Iraq, cho Iran." Sự bất mãn của chính quyền Iraq với việc Iran sở hữu tỉnh giàu dầu mỏ Khūzestān (mà người Iraq gọi là Arabistan), nơi có đông người dân nói tiếng Ả Rập, không chỉ dừng lại ở các tuyên bố; Iraq bắt đầu ủng hộ các phong trào ly khai ở Khuzestan, và thậm chí đẩy vấn đề tranh chấp lãnh thổ lên hội nghị của Liên đoàn Ả Rập, nhưng không thành công. Iraq miễn cưỡng hoàn thành các hiệp định đã có với Iran — đặc biệt sau cái chết của tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser năm 1970 và sự lớn mạnh của đảng Ba'ath dẫn tới cuộc lật đổ quân sự năm 1968, Iraq đã tự cho mình là "lãnh đạo thế giới Ả Rập". Cùng thời gian đó, cuối thập niên 1960, sức mạnh quân sự của Iran, với mức chi tiêu quốc phòng khổng lồ của Quốc vương Mohammad Reza Pahlavi, cũng bắt đầu tỏ thái độ cứng rắn hơn trong khu vực Cận Đông.[4] Tháng 4 năm 1969, Iran hủy bỏ hiệp ước 1937 về Shatt al-Arab, và như vậy không trả thuế cho Iraq khi tàu bè của họ sử dụng Shatt al-Arab nữa.[6] Iraq đe dọa chiến tranh vì hành động này của Iran, nhưng vào ngày 24 tháng 4 năm 1969, một chiếc tàu chở dầu Iran được tàu chiến hộ tống đi xuôi dòng Shatt al-Arab, Iraq khi đó đang yếu thế hơn về quân sự đã không có bất cứ hành động nào.[5] Việc Iran phá bỏ hiệp ước 1937 đánh dấu sự bắt đầu của thời kỳ gia tăng căng thẳng giữa Iraq và Iran kéo dài cho tới tận Hiệp định Algiers năm 1975.[5] Năm 1969, phó thủ tướng Iraq tuyên bố: "Tranh chấp của Iraq với Iran có liên quan đến vấn đề Arabistan (Khuzestan) là một phần lãnh thổ của Iraq bị sáp nhập vào Iran dưới thời ngoại bang còn thống trị." Không lâu sau các đài phát thanh Iraq phát riêng dành cho[cần dẫn nguồn] "Arabistan", khuyến khích dân A-rập ở Iran, thậm chí cả người Balūchīs nổi dậy chống lại chính phủ của Vua Iran. Những đài truyền hình ở Basra thậm chí còn mô tả tỉnh Khuzestan của Iran như là một phần tỉnh mới của Iraq gọi là Nasiriyyah, đổi tên tất cả các thành phố của Iran bằng tên A-rập.

Năm 1971, Iraq cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau khi tuyên bố chủ quyền trên các đảo Abu Musa, Tunb Lớn và Nhỏ thuộc Vịnh Ba Tư, sau khi người Anh rút đi.[7] Iraq khi đó then tịch thu toàn bộ tài sản của 70.000 người Iraq gốc Iran và trục xuất họ đi khỏi nơi sinh sống, sau khi đã phàn nàn vấn đề này lên Liên đoàn Ả Rập và Liên Hiệp Quốc nhưng không thành công. Nhiều người, nếu không muốn nói là phần lớn những người bị trục xuất thực ra là người Iraq gốc Shia, và không hề có ràng buộc gì về mặt huyết thống với Iran, và đại đa số họ nói tiếng Ả Rập, chứ không phải tiếng Ba Tư.[8] Để trả đũa cho tuyên bố chủ quyền của Iraq đối với Khuzestan, Iran bảo trợ cho quân phiến loạn người Kurd vào đầu thập niên 1970, cung cấp căn cứ cho người Kurd Iraq và cung cấp vũ khí cho các nhóm này.[5] Bên cạnh việc Iraq liên tục xúi giục chủ nghĩa ly khai ở Khuzestan và tỉnh Blochistan thuộc Iran, cả hai nước đều khuyến khích các phong trào ly khai của những người Kurd theo chủ nghĩa dân tộc ở mỗi nước. Mùa đông năm 1974-75, Iran và Iraq suýt chiến tranh do Iran hỗ trợ người Kurd.[5] Tuy vậy, do Iran mạnh hơn về quân sự và đông hơn về dân số, nên người Iraq không gây chiến và lựa chọn thỏa hiệp với Tehran để kết thúc sự phản loạn của người Kurd.[5] Trong Thỏa thuận Algiers 1975 Iraq đã nhượng lãnh thổ của mình — gồm cả vùng nước — để được bình thường hóa quan hệ.[5] Để trả lại việc Iraq công nhận biên giới trên Shatt al-Arab chạy dọc theo toàn bộ thalweg, Iran ngưng hỗ trợ cho du kích người Kurd.[5] Thỏa thuận Algiers được nhiều người Iraq xem là nỗi nhục quốc thể.[5]

Mối quan hệ giữa chính phủ Iran và Iraq có tiến triển vào năm 1978, khi các điệp viên người Iran tại Iraq khám phá ra một vụ đảo chính của phe thân Liên Xô. Khi được thông báo về kế hoạch này, Saddam Hussein, khi đó đang là Phó tổng thống, đã ra lệnh hành hình hàng tá sĩ quan quân đội, và để trả ơn, ông ra lệnh trục xuất Ruhollah Khomeini, nhà lãnh đạo thần quyền lưu vong chống lại Quốc vương, khỏi Iraq.

Sau cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran

Tư tưởng đoàn kết hồi giáo dưới một nhà nước thống nhất, cuộc cách mạng Hồi giáo theo dòng Shia do Ayatollah Khomeini lãnh đạo với sự ra đời của Cộng hòa Hồi giáo Iran; cùng với tư tưởng quốc gia A-rập của chính quyền Saddam Hussein là trung tâm của xung đột.

Saddam Hussein rất muốn đưa Iraq lên tầm một cường quốc khu vực. Do đó xâm lược được Iran sẽ tăng tiềm năng dự trữ dầu của Iraq giúp nước này thống trị khu vực vịnh Péc-xích.

Nhiều lần Saddam đã ám chỉ đến cuộc chinh phạt Hồi giáo vào Iran (sự chinh phạt của người Hồi giáo vào Ba Tư năm 644). Ví dụ, ngày 2 tháng 4 năm 1980, nửa năm trước khi phát động chiến tranh, khi đến thăm đại học al-Mustansiriyyah ở Baghdad, Saddam đã nói đến thất bại của Ba Tư ở thế kỷ thứ VII trong Trận al-Qādisiyyah, ông nói:

Nhân danh các bạn, những người anh em, và thay mặt cho người Iraq và A-rập ở khắp nơi. Chúng ta gửi tới bọn Ba Tư hèn nhát và thấp bé,những kẻ muốn trả thù Al-Qadisiyah rằng tinh thần Al-Qadisiyah cũng như máu và niềm tự hào của người dân Al-Qadisiyah mang theo trên ngọn giáo lớn hơn tham vọng của chúng."[9]

Về phần mình Ayatollah Ruhollah Khomeini tin rằng những người hồi giáo, đặc biệt là người theo dòng Shia ở Iraq, Ả Rập Xê ÚtKuwait, những người mà ông cho là đang bị đàn áp, có thể và nên noi gương người Iran nổi dậy lật đổ chính phủ và cùng lập ra một quốc gia Hồi giáo thống nhất.[10] Khomeini và những nhà cách mạng Hồi giáo Iran khác coi chủ nghĩa thế tục của Saddam, chế độ dân tộc chủ nghĩa A-rập của đảng Ba'ath như là "phi Hồi giáo" và là "con rối của quỷ Satan,"[11], ông kêu gọi người Iraq hãy lật đổ chế độ Saddam Hussein. Cùng thời gian này diễn ra quá trình thanh trừng các sĩ quan quân đội gay gắt(một số án tử hình được quyết định bởi Sadegh Khalkhali, người nắm chức vụ thi hành luật Hồi giáo sharia thời hậu cách mạng). Việc thiếu phụ tùng thay thế cho số vũ khí do Mỹ sản xuất đã làm yếu quân đội một thời hùng mạnh của Iran. Quân đội Iran được trang bị kém dù cho có lực lượng dân binh trung thành và tận tụy. Iran cũng phòng thủ rất mỏng ở khu vực sông Shatt al-Arab.

Iraq phát động cuộc chiến mà cứ tin tưởng người Sunni ở Iran sẽ ủng hộ và gia nhập phe mình. Iraq đã đánh giá sai lầm sức mạnh của tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở Iran dù cho có khác biệt về mặt lịch sử giữa các bộ lạc và họ cũng đánh giá sai khả năng kiểm soát báo chí của chính quyền Iran. Do đó chỉ có một số ít người A-rập ở Khuzestan và người Sunni ở Iran hợp tác với quân Iraq.[cần dẫn nguồn]

Năm 1980, vài tháng trước khi chiến tranh bắt đầu, đại sứ quán Iran ở Luân Đôn bị một nhóm khủng bố do Iraq hậu thuẫn tấn công. Sự kiện này được biết đến với cái tên Iranian Embassy Siege (cuộc bao vây đại sứ quán Iran).[12]

Báo cáo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ngày 9 tháng 12 năm 1991 (S/23273) thẳng thắn nhận xét: "Hành động gây hấn của Iraq với Iran trong việc phát động chiến tranh và phá vỡ hòa bình và an ninh quốc tế".[13]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Iran-Iraq http://74.125.95.132/search?q=cache:R0fbbqLrGmcJ:t... http://www.theaustralian.news.com.au/story/0,20867... http://airtoair.blogfa.com/post-18.aspx http://goliath.ecnext.com/coms2/gi_0199-6662950/Li... http://google.com/search?q=cache:ZlBdwCEy9yAJ:www.... http://docs.google.com/gview?a=v&q=cache:5u7kx8xIb... http://docs.google.com/gview?a=v&q=cache:OYG-qrRsM... http://video.google.com/videoplay?docid=-897958490... http://www.iie.com/publications/opeds/oped.cfm?Res... http://www.investorsiraq.com/showthread.php?p=6796...